Ảnh minh họa https://tukhidonglai.wordpress.com/2014/01/25/tranh-anh-sinh-tu-tuong-tuy/ |
“Cuộc đời như giấc mộng.
Đừng như giấc Nam Kha chôn mình trong mộng ảo, để khi tỉnh dậy bên mình chỉ còn
lại nỗi đau…”
Mộng Nam Kha một câu chuyện không
dài của Ngưng Văn nhưng để lại tương đối cảm xúc cho người đọc. Như người dịch đã
giới thiệu truyện mang đậm chất triết lý, nói về luật nhân quả khi “ta cướp đi một thứ gì của người khác, lại
có một người khác đang âm thầm cướp của ta”, truyện quả thật rất đáng đọc (thuộc
nhóm truyện có thể đọc lại vài lần ^^). Câu chuyện bắt đầu đã vạch trần những
góc khuất phũ phàng, những hiện thực tàn nhẫn của cuộc đời luôn đổi trắng thay
đen. Cuộc hôn nhân không tình yêu của nàng Trình Tố Nga – một bông hoa xinh đẹp
đầy gai độc và Tạ Gia Kiều là anh buôn ngọc cũng là một kẻ cướp giấu máu tanh
sau lớp bọc hiền lành ngờ nghệch, mối tình vụng trộm của người vợ không ngoan với
tướng cướp Phương Bằng, còn có cả hai đứa con nhỏ vốn là vô tội trong oán thù của
ba người này. Người bị phản bội sẽ trả thù, nhưng Tạ Gia Kiều không dùng cách
chém giết, hắn thả sống con mồi, ngạo nghễ nhìn họ lăn lộn giữa “thế gian ô trọc”,
giữa “lòng người đen bạc”. Hắn chỉ việc đợi, đợi đến ngày những viễn cảnh ái ân
tươi đẹp của kẻ phụ tình sụp đổ, sau năm mười năm hay lâu hơn nữa liệu đoạn
tình vụng có còn nồng. Bằng lương tâm của một người từng làm cha Tạ Gia Kiều gửi
gắm hai đứa trẻ cho người khác nuôi nấng, chỉ mong cuộc đời chúng đừng rơi vào
kết cục như những đấng sinh thành. Rồi sau những ân oán tình thù sẽ có kẻ trắng
tay, có người oán hận, chung quy cũng do gây quá nhiều nghiệp chướng, quả báo
liệu có ứng…?
Nhân quả tuần hoàn… Nhiều năm sau,
đủ lâu để con người hướng thiện làm lại cuộc đời, cũng đủ dài khiến họ gây ra
những sai lầm trầm trọng hơn. Dòng đời xô đẩy, là tạo hóa trêu ngươi hay là
gieo ác nhân nhận quả đắng, dù có là gì quả báo không chọn sai người, chỉ
thương cho hai đứa trẻ ngày xưa, hai linh hồn trong trẻo ấy vốn không nên phải
hoen ố bụi trần. Nhưng nỗi đời là trần trụi như vậy…
Là cha mẹ không nhận ra con ruột của mình…
“Bé con năm đó bám sát
vào hắn, đòi hắn cõng, đòi ăn hồ lô ngào đường… Vậy mà…” Đời có bao nhiêu lần
“vậy mà” đây? Một bước sa chân sẽ chẳng còn quay lại được…
Là người mẹ tay nhuốm máu con…
“Con gái giờ đang nằm
trong vòng tay mẹ. Chỉ là thay cho vẻ tươi cười linh động là nột cái xác lạnh
ngắt. Con không biết, con chết chính từ tay mẹ.”
Là người cha tướng cướp giết người không gớm tay giờ khắc
này đang hoảng loạn nhìn máu đỏ con mình chảy tràn trong mắt, một đêm bạc đầu, một
đêm mất đi vợ, cả hai người con, sinh ly tử biệt đến thế là cùng…
“Đừng bỏ cha mà… Diên
Bình, Diên Châu…” Gọi cho ai nghe đây? Khi người đã xa vĩnh viễn… Có hối
không? Có đau không?
Là người anh bàng hoàng với nỗi đau loạn luân dày xé đến tận
cửu tuyền.
“Tại sao, tại sao tôi
lại là Diên Bình chứ? Tại sao…?”
“Cũng… Cũng tốt… Nàng…
Không biết gì cả… Nàng chỉ ngủ… Không cần phải biết. Dù thế nào… Cũng chỉ mình
ta biết… Nương tử… Tiểu muội… Cứ để cho ta…”
Là vợ cũng là em gái, là chồng lại cũng là anh trai, đau nào
như đau này, người tên Diên Bình ấy chọn cho mình cái chết, lối giải thoát đó
đem đến một kết đoạn buồn nhưng là hợp lý.
Một người anh trai mong mỏi “dù là khi còn sống hay khi đã mất, nàng vẫn luôn được yêu thương che
chở. Nàng sẽ là một linh hồn thanh khiết. Còn ta, mọi tội lỗi, mọi lời nguyền rủa,
loạn luân, hãy để một mình ta chịu, có được không?” Mong là được…
Bên lề của nỗi đau một người chồng hy vọng “kiếp sau được Diêm Vương thương xót, cho đầu
thai tiếp tục duyên vợ chồng”. Mong chàng được như ý nguyện…
Có một nỗi xót xa nhè nhẹ chậm rãi dâng lên cay nồng khóe mắt.
Khổ sở quá, dày vò quá… Đúng là SE trong truyền thuyết…
Còn một đoạn cuối, khi cố nhân gặp lại nay người yên ổn kẻ
suy tàn. Phương Bằng thân tàn ma dại, cửa nát nhà tan sống dật dờ như một cái
bóng đối diện với tình địch ngày xưa – Tạ Gia Kiều giờ đã là một phú thương
giàu có, nét thanh thản in hằn lên cốt cách. Trông người nhìn mình, trách trời
cao bất công sao không ngẫm lại mình đây…
“Vì ta biết dừng lại…
Còn ngươi thì không...”
Bao nhiêu đó đã đủ giải thích chưa? Hai người đàn ông, kẻ bị
tham vọng hủy hoại, người yên phận không tranh chấp với quá khứ. Đằng sau nỗi
đau của Phương Bằng là một tấn bi kịch, là nuối tiếc khôn nguôi, còn của Tạ gia
Kiều là hạnh phúc, là an ổn của kẻ thức thời. Đến cuối cùng là đúng, là sai, là
nghiệp báo, đều như mộng tại đời thường.
Cái kết với những lời văn đầy nhân văn, khiến cho ta không
chỉ đọc suông mà còn phải ngẫm.
Cảm ơn tác giả Ngưng Văn đã viết nên Mộng Nam Kha.
Cảm ơn Greenhousenovels, nhóm dịch muadongxaxam – lvd – vtmk
đã mang Mộng Nam Kha đến với độc giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét